Trạm Chạm C.2 – SHADOWS | Behind The Making

Một show diễn đương đại đặc biệt đã diễn ra tại UC Spaces mang tên SHADOWS. Gọi là đặc biệt không chỉ bởi chất lượng của nó, mà còn bởi những giá trị tinh thần thú vị và đáng quý mà suốt quá trình thực hiện nên SHADOWS chúng mình đã tạo nên. 

——————————————————

Cơ duyên đến với Trạm Chạm rất tình cờ và tự nhiên. Từ những lời ngỏ “chơi chơi” giữa anh chị founders của UC và anh Tú Hoàng, tới buổi gặp gỡ cà phê ngẫu hứng tại Hà Nội, idea cho một show diễn nghệ thuật mà tận dụng được mọi ngóc ngách của UC Spaces được đưa ra và “chốt đơn” cực kỳ nhanh gọn. Và thế là SHADOWS ra đời!

Và thế là UC Team bắt đầu xông xáo công tác chuẩn bị cho SHADOWS. Từ một chủ đề rất rộng và đa nghĩa “SHADOWS” khi anh Tú đặt ra, chúng tớ đã lao vào tra cứu và nảy ra rất nhiều ý tưởng thú vị. Trong thời gian rất gấp rút vào thời điểm cuối năm, các nghệ sỹ thì bận rộn, các show diễn bị trùng ngày, anh Tú thì chỉ có thời gian rất ngắn ở Sài Gòn, team UC cũng gặp vấn đề thiếu nhân sự thực hiện v.v… Thế nhưng bằng sự quyết tâm và niềm tin mãnh liệt dành cho nhau, chúng tớ đã cố gắng hết sức để cùng khiến cho SHADOWS thành hình thành dạng và chỉn chu hết mức có thể. 

Và đây là những lời giới thiệu đầu tiên về SHADOWS, do chính chị founder của UC đã đích thân viết ra bằng cả tâm huyết của mình. 

“Shadows trong suy nghĩ của bạn là:

Những cái bóng? Bóng đêm? Bóng mát?

Là những góc tối? Những bí ẩn?

Là nỗi thất vọng?

Hay niềm hân hoan?

Là kẻ đeo bám?

Hay người bạn thân?

Là điều đáng sợ?

Hay vùng che chở?

Thật thú vị khi thứ mà bạn vẫn luôn định nghĩa một cách chắc nịch trong đầu lại hoàn toàn trái ngược với cảm nhận của người khác. Bạn có thể sợ hãi “shadows”, nhưng có khi đó lại là vùng an toàn của người khác.    

Nghệ thuật chuyển động của những nghệ sĩ, vũ công tài năng của Trạm Chạm số thứ 2 chắc chắn sẽ mở rộng trí tưởng tượng của bạn, sẽ tạo ra những luồng Adrenaline đầy kích thích trong cơ thể của bạn, sẽ kết nối và đưa bạn đến khám phá những định nghĩa mới, những cảm xúc mới. Đến với Trạm Chạm lần này, các bạn sẽ được trải nghiệm một hình thức thưởng thức nghệ thuật còn chưa được xuất hiện nhiều tại Việt Nam, đặc biệt là tại những nơi gần gũi, thân thuộc như UC. 

Nếu như còn nhớ những điểm dừng chân trên chiếc cầu thang nhỏ xinh dẫn từ tầng trệt dẫn lên tới Fusion Space của UC trong Trạm Chạm số đầu tiên, lần này các bạn sẽ được ghé thăm những không gian lớn hơn, rộng hơn tại các điểm dừng chân mới trong tòa nhà UC Spaces. Mỗi một điểm dừng chân sẽ là những concepts khác nhau của Shadows, những thể nghiệm mới lạ được dẫn dắt bởi dancers, bởi ánh sáng, bởi bóng tối, bởi cảm xúc và trí tưởng tượng của chính bạn.”

Bên cạnh đó, UC Team còn đặc biệt thiết kế những tấm bảng mang nội dung về sự đối lập và đa nghĩa của “những cái bóng” và treo trưng bày trải dài ở lối hành lang để các vị khách đến xem có thể dừng chân đọc và suy ngẫm.

Chỉ đến đây thôi, đã đủ thấy SHADOWS như một đứa con tinh thần đang được rất nhiều cá thể cùng chung tay tạo nên. Không chỉ bởi team chạy sự kiện mà còn bởi team nghệ sĩ.

Các nghệ sĩ của chúng ta cũng gặp 1 bài toán khó nhằn, thử thách họ về sự sáng tạo lẫn khả năng ứng biến và cả sức bền. Anh Tú và các nghệ sĩ chỉ có đúng 1 tuần để tập với nhau và làm quen với các “sàn diễn” đặc biệt: bàn và đèn tại không gian cafe, sảnh walkway, lối cầu thang và 3 căn phòng. Mỗi điểm là một concept, một chủ đề khác nhau, một cách ứng tác khác nhau. Điểm đặc biệt hơn nữa, các nghệ sĩ chính là người sẽ dẫn dắt người xem trong “màn triển lãm” này. Mọi thứ đều vô cùng đặc biệt và mới lạ, ít ra là đối với một bộ phận công chúng Việt Nam khi hiếm có dịp được tiếp cận những show diễn mang tính chất nghệ thuật đương đại như thế này. Bạn có thể đến một buổi triển lãm tranh, triển lãm ánh sáng và đọc các chú thích về các tác phẩm. Còn tại SHADOWS, chính cách các nghệ sĩ dẫn dắt bạn từ khu này qua khu khác, hay chính cách bạn tương tác với họ sẽ là điều giúp bạn “chạm” hơn đến tác phẩm và ý đồ mà họ muốn truyền tải. 

Cả ekip và các nghệ sĩ đã có nhiều buổi rehearsal vào đêm muộn với nhau, để căn chỉnh sao cho các thao tác phối hợp giữa ánh sáng, âm thanh, người chuyển động đều phải ăn ý với nhau và hợp lý với sự tham gia của khán giả. 

Thật thú vị là UC Spaces quen thuộc ngày nào của chúng tớ lại có thể trở nên thật xa lạ, vừa mộc mạc, vừa kỳ bí, vừa chất chứa bao suy tư gửi gắm nơi người nghệ sĩ chuyển động.

Chiếc bàn cafe thân quen tại UC Cafe Space khi gắn kèm một cái đèn sẽ trở thành một thứ “vũ khí” gây ám ảnh.

Góc tường cầu thang hằng ngày bao người qua lại trở thành nơi người ta trăn trở với ánh đèn le lói vào những suy nghĩ của mình.

Phòng Outer Space trở thành một không gian giao lưu giữa từng cá nhân với ánh sáng, có người sẽ chơi với ánh sáng theo kiểu tự kỷ, còn trẻ con lại chơi thật là hồn nhiên vô tư.

Và thật thú vị khi trong chính một vở múa bạn lại có thể nghe thấy tiếng hát đầy nội lực và vấn vương.

Chính những người xem show sẽ là người “ban phát” và “điều khiển” ánh sáng cho người nghệ sĩ trong chính căn phòng tối của họ.

Những khán giá có thể được tận mắt chứng kiến một vở diễn đã được vô số giải thưởng trong các cuộc thi danh giá quốc tế, ngay tại sân khấu ấm áp Fusion Space ở UC Spaces.

Tất cả đều xảy ra ở SHADOWS.

Những khó khăn ban đầu có lẽ là chất xúc tác làm cho đội ngũ thực hiện cảm thấy quyết tâm và có năng lượng hơn bao giờ hết. Khoảnh khắc cánh cửa cuốn mở ra và đứng sẵn tại đó chính là bóng dáng người nghệ sĩ lão làng đang có nhiều thứ để kể bằng ngôn ngữ hình thể, chắc tất cả những ai có mặt tại SHADOWS đều không bao giờ quên được. Có thể nói SHADOWS như một bữa triển lãm phối hợp đủ các yếu tố về âm thanh, chuyển động, kể chuyện, ánh sáng, nội dung. Có bạn nói với chúng mình rằng nếu được chọn để quên đi và trải nghiệm từ đầu 1 cảm giác nào đó, bạn sẽ chọn được chứng kiến lại lần đầu khoảnh khắc nhìn anh Tú Hoàng đứng sau cửa cuốn và dần dần chuyển động. Giây phút đó làm bạn xúc động, nghẹn ngào mà không lời nào có thể diễn tả hết được. 

Qua hai buổi diễn, UC chắc chắn rằng ai cũng có cho mình những suy nghĩ, những trăn trở về những điều đọng lại sau show diễn. Và những trăn trở đó chắc hẳn là rất mênh mông, mỗi người mỗi khác, và đều khó có thể diễn tả bằng câu từ. Đó cũng là điều phi thường mà chỉ có nghệ thuật mới có thể tác động được tới người thưởng thức nghệ thuật. 

Mong rằng sẽ có nhiều dịp hơn để UC cùng các nghệ sĩ đem đến những tác phẩm có thể “chạm” vào tâm hồn người xem, để những cuộc trò chuyện được nhiều dịp nữa thể hiện thông qua nhảy múa. Đó cũng chính là mong muốn mà UC muốn hướng đến khi thực hiện Trạm Chạm nói riêng và những sự kiện nhảy múa nói chung – tạo nên được “Conversations Through Dance”. Nhảy múa sẽ trở thành phương tiện để giao tiếp giữa người với người, tạo nên những đoạn hội thoại thông qua ngôn ngữ chuyển động. Đó sẽ là những cuộc nói chuyện không lời nhưng vô cùng hữu ý, sâu lắng và vô vàn chất chứa, như những gì mà những chiếc bóng của SHADOWS đã gửi gắm đến người xem.

No Comments

Post A Comment